Đảng ủy xã
Thăm "phố tơ lụa" ở thành phố Hải Dương
Phố Trần Bình Trọng được mệnh danh là “phố tơ lụa” hay “phố Hàng Đào” của TP Hải Dương bởi tập trung nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh vải vóc.
 
Với chiều dài khiêm tốn, khép mình sau những tuyến phố trung tâm của TP Hải Dương như Trần Hưng Đạo, đại lộ Hồ Chí Minh, phố Trần Bình Trọng (phường Trần Phú) ngày ngày cũng tấp nập không kém những phố chính. 

Ông Lưu Đức Ý, hội viên Hội Khoa học lịch sử Hải Dương, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các tuyến phố cho biết: “Vào đầu thế kỷ 20, phố Trần Bình Trọng đi qua một con kênh. Người Pháp dựa vào đó đặt tên phố là Rue du Canal ancien (tạm dịch là phố kênh đào cổ). Sau  này ta đổi tên thành phố Trần Bình Trọng”. Phố Trần Bình Trọng khi xưa toàn nhà tranh tre, mái lá, không có vỉa hè, ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng lại bụi mù mịt. Phố Trần Bình Trọng ngày nay sầm uất với nhà tầng cao đẹp, các cửa hàng vải đủ màu sắc nối tiếp nhau. 

Theo lời giới thiệu của những người bán hàng, tôi tìm gặp bác Trần Duy Mùi, một trong rất ít người tận mắt chứng kiến sự đổi thay của con phố đặc biệt này. Bác Mùi năm nay đã ngoài 70 tuổi nhớ lại: “Cách đây hơn 50 năm, cô Gái Men, người hàng xóm cách nhà tôi 3 nhà mở cửa hàng vải đầu tiên. Phố Trần Bình Trọng lúc này vẫn là phố vắng, việc mua bán chưa diễn ra sầm uất như bây giờ. Nhưng chỉ 4-5 năm sau đã có thêm vài cửa hàng nữa mở”. 

Đến bây giờ, cửa hàng cô Gái Men năm nào không còn, nhưng lại mọc lên hàng loạt cửa hàng khác to, đẹp hơn. Đếm dọc con phố có đến 15 cửa hàng vải. “Buôn có bạn, bán có phường” nên các cửa hàng vải không chỉ do người dân cũ của con phố này mở mà còn có những người ở nơi khác đến thuê mở hàng. Nếu như gần 20 năm về trước, các cửa hàng vải chỉ đơn giản với những chiếc biển nhỏ ghi tên chủ cửa hàng thì giờ đây trên biển tràn ngập những lời quảng cáo như vải Hàn Quốc, bán buôn, bán lẻ, vải áo dài... Trong các cửa hàng, những cây vải, súc vải lớn xếp từ sàn nhà đến tận nóc. Các loại vải phong phú cả về kiểu loại và màu sắc. 

Tay thoăn thoắt đo hàng, cắt vải cho khách, chị Nguyễn Ngọc Bích, chủ cửa hàng vải Bích Toàn cho biết: “Vải ở đây được các chị em rất ưa chuộng, bởi may lên quần áo vừa đẹp mà giá cả cũng phải chăng”. 

Khách hàng đi mua vải đông nhất vẫn là các chị em. Chị Hoàng Thị Hải, một khách hàng đang mua vải cho biết: “Vào đầu hè tôi thường đi mua vải may quần áo cho cả gia đình. Mua vải về may vừa chọn được kiểu phù hợp với sở thích lại hợp với thân hình của mỗi người”. Theo nhu cầu của cuộc sống hiện đại, các cửa hàng vải ngày càng to đẹp và thu hút nhiều khách hàng. Chị Bích cho biết thêm: “Các cửa hàng thường bán chạy vào đầu mùa hè và đầu mùa thu, khi đó lượng hàng nhập về mỗi lần trị giá hàng chục triệu đồng. Vải được nhập từ chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và Hải Phòng”. Phố Trần Bình Trọng cũng là đầu mối cung cấp hàng cho nhiều cửa hàng vải, hàng may tại các xã, thị trấn trong tỉnh. 

Cùng với sự phát triển của hàng vải, các cửa hàng may mặc cũng mọc lên nhanh chóng, mang lại sự tiện lợi cho khách hàng. Phố Trần Bình Trọng có gần 10 cửa hàng may, thu hút đông khách hàng vì vị trí thuận lợi và chất lượng may cũng làm hài lòng nhiều khách hàng. Nhà may Minh Nguyệt, Ngà, Hường, Hiền Loan... được nhiều khách hàng ưa chuộng. Khách hàng mang vải đến có thể chọn những mẫu sẵn hoặc nêu các yêu cầu riêng của mình với thợ may. Giá may cũng có mức chung, từ 50 đến 60 nghìn đồng/áo, so với giá áo mua thì giá may mặc "rẻ" hơn khá nhiều, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là vải mua về may không có hàng chất lượng cao. Khách hàng có thể mua những loại vải cao cấp như gờ- tô, tơ tằm... để may những bộ đầm, váy rất sang trọng mà giá cả lại không quá cao.

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, trong hai năm trở lại đây, việc kinh doanh vải vóc của các cửa hàng cũng gặp một số khó khăn. Việc tiêu thụ hàng không nhiều như những năm trước, chỉ tập trung vào một số thời gian nhất định trong năm. Tuy nhiên, những chủ cửa hàng ở đây cho biết: Nhu cầu làm đẹp của mọi người, đặc biệt là chị em thì không bao giờ dừng lại, các cửa hàng vẫn tiếp tục nhập những loại vải mới để phục vụ khách hàng. Hy vọng sau những khó khăn chung, "phố tơ lụa" Trần Bình Trọng sẽ phát triển hơn nữa để trở thành một trong những con phố nổi tiếng của TP Hải Dương.
 
Các bài liên quan
Từ Thành Đông đến thành phố Hải Dương (19/08/2014)
Thành phố Hải Dương văn hiến và tiềm năng (19/08/2014)
TP Hải Dương đình chỉ việc khai thác đất bãi sông trái phép (19/08/2014)
TP Hải Dương: Trao tặng 37 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (19/08/2014)
TP Hải Dương phát động cuộc thi "Đô thị phát triển kinh tế địa phương tốt và sống tốt" (19/08/2014)
 
Quay lạiXem tiếp   
 

Thư viện ảnh

 
Hát về Chí Linh
BỘ PHẬN MỘT CỬA
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 
 
LƯỢT TRUY CẬP
 
 
 Hôm nay53 
 Hôm qua52
 Tuần này105 
 Tất cả184256 
IP: 44.220.249.141